Ngày đăng: 03/10/2024
Lượt xem: 218
Mã tin: 364
Chuyên nhà cho thuê và tra cứu quy hoạch thông minh

Trong báo cáo gửi Văn phòng Chính phủ, Bộ Xây dựng đề xuất đánh thuế với trường hợp sở hữu, sử dụng nhiều nhà, đất nhằm hạn chế đầu cơ, mua đi bán lại trong thời gian ngắn để kiếm lời.

Thực tế, đề xuất đánh thuế nhà từng được Bộ Tài chính nêu tại dự thảo Luật Thuế nhà, đất 2009, mức 0,03% với nhà trên 500 triệu đồng. Mười năm sau, nhà chức trách lấy ý kiến dự thảo Luật Thuế tài sản với 2 phương án về ngưỡng đánh thuế nhà, trên 700 triệu hoặc 1 tỷ đồng, tương ứng thuế 0,3% hoặc 0,4%. Song, các đề xuất này đều vấp phải phản ứng trái chiều từ dư luận ngay khi công bố, nên được gác lại.

Ông Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, nói "thiếu quyết tâm chính trị" là nguyên nhân cốt yếu khiến chính sách thuế bất động sản "vẫn nằm trên giấy". Ông Võ nhìn nhận việc áp thuế bất động sản gặp thách thức bởi "rơi vào thế giằng co" nhiều năm qua. Theo ông, đối tượng bị đánh thuế là người sở hữu nhiều bất động sản, thường là nhà đầu tư, đầu cơ, chủ đầu tư - vốn là nhóm có nguồn lực tài chính lớn hoặc quyền lực. Nhóm này luôn ở thế xung đột với những người "vất vả để mua nhà", hay số đông người lao động tài chính ít, không có khả năng mua.

Hệ lụy là từ năm 2018 đến nay, thị trường địa ốc xuất hiện nhiều dấu hiệu tiêu cực, bất cập khi giá nhà leo thang và lệch pha cung - cầu nghiêm trọng. Việc này ảnh hưởng đến phát triển bền vững của thị trường.

Ngoài ra, theo các chuyên gia đánh thuế bất động sản không dễ do thiếu hệ thống cơ sở dữ liệu bất động sản. Theo GS. TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính), chỉ số giá chủ yếu do các đơn vị độc lập thu thập và công bố, chưa hoàn chỉnh tất cả phân khúc nhà đất. Thậm chí mỗi báo cáo của các đơn vị đưa ra lại có dữ liệu khác nhau. Cùng với đó, phần lớn các giao dịch địa ốc có tình trạng hai giá, tức giá mua thực tế chênh cao so với kê khai trong hợp đồng để nộp thuế. "Điều này không phản ánh chính xác các giao dịch, ảnh hưởng đến dữ liệu, gây thất thu ngân sách", ông Thịnh nói.

Do đó, theo ông Đặng Hùng Võ, Việt Nam cần áp dụng công nghệ trong xây dựng, quản lý cơ sở dữ liệu bất động sản, cải thiện nghiệp vụ định giá. "Từ đó, việc xác định nhà thứ hai, ba và giá trị bất động sản mới minh bạch", ông nói.

Dù chưa có sắc thuế tài sản riêng, thực tế các loại thuế về sử dụng đất phi nông nghiệp, nông nghiệp cũng có tính chất và đặc điểm tương tự. Tuy nhiên, số thu hàng năm của hai khoản này chỉ chiếm 0,03% GDP. Mức này khá khiêm tốn so với các nước khác. Chẳng hạn, quy mô thu thuế bất động sản ở hầu hết các quốc gia khoảng 0,1-3% GDP, riêng các nước châu Phi dưới 0,5%, theo số liệu từ Bộ Tài chính.

Giới chuyên môn nhiều lần khẳng định nghiên cứu về chính sách thuế bất động sản là cần thiết, góp phần cơ cấu lại ngân sách nhà nước theo hướng an toàn, khuyến khích sử dụng bất động sản hợp lý, phù hợp thông lệ quốc tế. Song, việc này cần có lộ trình, tránh gây cú "sốc" cho thị trường.

Chuyên gia Đinh Trọng Thịnh gợi ý giai đoạn đầu có thể áp thuế suất vừa phải, sau đó tăng dần để người dân làm quen. Chẳng hạn, Singapore áp thuế 16% khi chủ sở hữu bán nhà trong năm đầu sau khi mua. Mức thuế giảm về 12% và 8% vào hai năm tiếp theo. Họ không phải chịu thuế này khi bán nhà sau năm thứ 4. Nước này cũng có nhiều đợt điều chỉnh thuế với người mua bất động sản thứ hai trong nhiều năm qua.

"Cơ quan quản lý nên nghiên cứu kỹ cách thu thuế tài sản nhà ở tại nhiều nước phát triển để áp dụng thận trọng với Việt Nam", ông nói.

Ngoài ra, để giải quyết lo ngại về thiếu công bằng giữa các chủ thể sở hữu, ông Đặng Hùng Võ cho rằng nhà điều hành nên bổ sung thêm căn cứ về diện tích nhà, đất khi nghiên cứu áp thuế. Việc này nhằm tránh trường hợp người sở hữu nhiều nhà diện tích nhỏ bị đánh thuế, nhưng có căn hộ hàng trăm m2 lại không bị thu. Còn theo ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội môi giới Bất động sản Việt Nam, để chính sách được đồng thuận cao, việc áp thuế ngoài tính dựa trên số lượng nhà, đất sở hữu, cần tính trên giá trị tài sản.

Về phía cơ quan quản lý, Thứ trưởng Tài chính Nguyễn Đức Chi nói mục tiêu của nhà điều hành là tạo thị trường bất động sản minh bạch, ổn định. Ông khẳng định Bộ Tài chính đồng tình đề xuất đánh thuế người sở hữu nhiều nhà, đất. Song, theo ông, các chính sách đưa ra cần mang tổng thể. "Nếu riêng thuế sẽ không đáp ứng được hết, mục tiêu cuối cùng không đạt được. Các chính sách về đất đai, quy hoạch cũng phải đồng bộ", ông Chi nói.

Tuyên bố miễn trừ trách nhiệm: Thông tin được cung cấp trên trang web này chỉ mang tính chất tham khảo và có thể thay đổi mà không cần thông báo trước. Chúng tôi không chịu trách nhiệm về bất kỳ thiệt hại hoặc rủi ro nào phát sinh từ việc sử dụng thông tin này hoặc dựa vào nó. Để đảm bảo tính chính xác và đáng tin cậy, vui lòng xác minh thông tin từ nguồn tin cậy khác trước khi thực hiện bất kỳ quyết định hoặc hành động nào.

Có thể bạn quan tâm